Ở đền chúa về, tôi đi tắc xi ra thị trấn Bố Hạ và chuyển xe về Bắc Giang vì tôi còn muốn vào đền chúa Năm Phương để lễ tạ cuối năm.
Hôm đó, có lẽ do đi vội nên tôi ăn mặc và để đầu tóc y chang như trong bức ảnh này, khiến chàng tài xế 7x gọi tôi là bà xưng cháu kkk.... Tôi thầm tự kỉ:" Chắc anh ta kêu là bà không phải tại mình quá già mà vì mình có chút hao hao giống bà nội hắn thì phải... Hi hi...."
Ra đến thị trấn, tôi thấy có một xe ca về Hà Nội đang nằm chờ khách ở đó. Tuy anh phụ xe mời chào đon đả nhưng tôi từ chối vì biết rằng loại xe này không vô thành phố Bắc Giang, mà sẽ chỉ chạy ở đường vành đai.
Tôi còn nhớ mang máng là muốn vô đền chúa thì nên xuống đoạn gần bệnh viện Đa khoa, nhưng khi tới ngã tư một con phố, tài xế bảo tôi xuống vì xe không chạy qua đó.
Tôi xuống xe, ngơ ngác nhìn tứ phía để tìm một lối quen. Chợt nhìn thấy một cô gái bế cháu nhỏ ngồi hóng người xe qua lại thì ghé hỏi thăm:
- Em ơi, cho chị hỏi từ đây đến phố Nguyễn Văn Cừ còn xa không?
- Còn xa lắm chị ạ.- Cô gái đáp.
- Oh! Nhưng đi lối nào hở em?- Tôi hỏi tiếp.
- Dạ. Chị cứ đi thẳng đi ạ.
- Ừm. Cảm ơn em nhé.
Tôi cảm ơn cô gái rồi đi tiếp. Có điều thiệt lạ! Khi vừa qua đường bên kia, tôi đã thấy phố Nguyễn Văn Cừ nằm ngay trước mặt rồi. Tôi chợt bật cười một mình vì nghĩ lại lời cô gái chỉ đường ban nãy.
Rồi tôi khẽ kêu lên: " Trời! Nhìn mặt cô ta có vẻ "đao" thì phải... Mình bị tâm thần nên mới đi hỏi đường một người như thế. Cũng may mà..."
Đi bộ thêm chút nữa, tôi phát hiện cách đó rất gần có lá cờ tứ phủ treo trên gốc cây xà cừ trước mặt.
Ồ! Đền chúa ở đó rồi.
Tôi mừng rỡ và thầm cảm ơn chúa Nguyệt đã phù hộ vì mọi khi, tôi xuống xe ở bệnh viện đa khoa thì còn phải đi xe ôm mới tới đền được.
Vừa bước chân vô đền, tôi chợt nghe tiếng cãi nhau om sòm. Sau đó mới biết: hôm nay, nhà có giỗ, nên con trai, gái, dâu, rể, cháu chắt... của cụ thủ nhang về tụ hội ăn đám. Ban nãy, ông chồng của cụ và mấy người con trai, con rể lỡ quá chén nên đã chuyển từ vui vẻ sang tranh cãi rồi chuyện cứ thế mà to lên mãi.
Nghe bà cụ kể: Bà có tám người con, bốn trai, bốn gái. Ngày trước, để nuôi được tám đứa con ăn học và thêm một ông chồng, bà đã phải lặn lội sang tận Bàng Tường ( Trung Quốc) "đánh" hàng mang về thành phố bán.
Cũng nhờ ơn chúa mà nay, các con cụ đều đã trưởng thành và dựng vợ, gả chồng, rồi sinh cháu chắt đề huề.
Cụ rơm rớm nước mắt, vẻ mặt buồn bã nói với tôi: " Cứ tưởng như thế là đã yên bề nhưng con xem đó... Giờ, bà đã hơn tám chục tuổi đầu rồi mà đâu đã được yên thân. Con cứ nhìn cơ sự như vừa nãy đó...
Nhiều lúc, bà tự nhủ: Nếu biết thế này... thì không có chồng, chẳng có con cho xong... Khổ quá con ạ..."
Câu chuyện của bà cụ không chỉ khiến tôi thương cảm mà còn làm tôi bị ám ảnh mãi vì tôi đã từng chứng kiến không ít những cảnh ngộ tương tự.
Nhiều phụ nữ vì sợ mang tiếng ế chồng nên khi tuổi đã lớn đành phải nhắm mắt lầy bừa một gã đàn ông chẳng ra gì, rồi cũng vì sợ " cái tiếng" ở đời mà đã cắn răng nuốt nỗi buồn vào trong để sống với một tên thất phu, tồi tệ...
Bữa đó, tuy việc lễ bái của tôi thông đồng bén giọt nhưng trong lòng tôi cứ nặng trĩu.
Cụ Nguyễn Du xưa viết:
" Khá thương thay thân phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung"
Theo tôi, nếu những người phụ nữ kia dũng cảm bỏ qua những định kiến sai lầm, để tự quyết định số phận của mình thì họ đâu có bị " bạc mệnh".
Khi lên xe Bắc Giang - Hà Nội, tài xế bảo sẽ cho tôi xuống chỗ gần nhà. Ai ngờ, gần đến nỗi đi cỡ 100k tiền tắc xi mới tới nhà.
Gần đến điểm đỗ xe, tôi nhanh chóng ra cửa xe.
lão tài xế than rằng: " Mọi người phải khẩn trương xuống xe giúp em vì điểm này dễ bị công an tóm lắm."
Người đàn ông ngồi trên tôi một hàng ghế quay lại bảo tôi:
- Em cứ ngồi xuống ghế đi vì chưa tới nơi đâu.
Tôi " dạ" một tiếng và ngồi lại xuống ghế của mình.
Thì ra, người ấy xuống cùng bến với tôi.
Tôi xuống xe, một lần nữa lại ngáo ngơ nhìn xung quanh. Tôi định bụng sẽ đi tiếp để tìm một trạm xe buýt vì cái tính ki bo bỗng chốc trỗi dậy trong tôi. Tôi nghĩ: " đi từ Bắc Giang về chỉ mất có 40.000d nay lên tắc xi mất cả 100k thì tiếc đứt ruột.
Người đàn ông ban nãy vẫy một chiếc tắc xi để về nhà. Bất chợt, anh ấy ngoái lại nhìn tôi và bảo:
- Em về đâu thế?
- Dạ. Em về gần cầu M... -Tôi quay lại nhìn anh và nói.
Anh ấy nhìn lớn hơn chàng lái tắc xi ở gần đền chúa Nguyệt chừng dăm tuổi, dáng người cao ráo, vẻ mặt hiền hậu, tác phong giống như một nhà giáo.
-Oh! Em lên xe đi. Tôi cũng đi hướng đó.
- Dạ....
Tôi nói rồi lên xe với vẻ lặng thinh hệt như một chiếc bóng.
Anh ấy gọi điện về nhà cho bà xã, báo tin sắp về tới nhà và hỏi xem đã chuẩn bị bữa tối chưa.
Đến chỗ đèn xanh đèn đỏ, đường bị ùn tắc, anh ấy sốt ruột xuống xe để đi bộ về nhà. Trước khi xuống xe, anh hỏi tôi:
- Nhà em còn xa không?
- Dạ. Cũng gần đến rồi ạ.
- Ưm. - Anh nói rồi quay sang phía tài xế, đưa cho anh ta tờ 100k và quay lại bảo tôi- Anh gửi 100 k cho tài xế rồi nha. Em cứ đi tiếp về nhà nhé. Đòng hồ báo mới hết 50k thôi nhé.
- Dạ. Em cảm ơn ạ.
Anh ấy vừa xuống xe thì có một bà lão đi tới, năn nỉ mua giùm một cành đào vì ngồi từ chiều tới giờ mà chưa bán được đồng nào cả.
Tôi thấy anh mở ví, rút tiền đưa bà lão và chọn vội một cành đào.
Thật bất ngờ, anh ấy bảo tôi mang nó về nhà chơi tết vì nhà ảnh mọi thứ đã được trang trí xong xuôi rồi.
Tôi không tiện từ chối nên cảm ơn và nhận luôn.
Trên đường về nhà, cầm cành đào tươi rói trên tay, lòng tôi không khỏi bâng khuâng. Có phải tôi đã bất chợt gặp được một người đàn ông đi ra từ ' bộ sách đỏ "quý và hiếm"? Hì, có lẽ may mắn ấy là do chúa Nguyệt đã phù hộ cho tôi.
Tôi khấp khởi thầm cảm ơn chúa vi đã quá ưu ái với mình. Chúa biết vậy nên bảo tôi: " Là do ngươi có duyên đó..."
Duyên gì cơ? Có người kêu con là bà nội thì còn duyên gì nữa chứ ạ? Chắc còn duyên với "ông lục tấm" thôi ạ...
Dù sao đi nữa, thì câu chuyện đi lễ hôm nay của tôi ... cũng có chút gì đó giống như trong truyện cổ tích. Nó khiến tôi có thêm niềm tin vào các vị thánh trong tứ phủ và những điều tốt đẹp vẫn còn tồn tại trong cuộc sống này ...